Buổi hội thảo „Chất Việt ở nước Đức“ – Nguyễn Thế Tuyền

 

Đối với nhiều người Đức, câu hỏi „Người Việt suy nghĩ và hành xử như thế nào?“ vẫn chưa có câu trả lời đầy đủ, mặc dù họ đã chung sống với người Việt hàng chục năm. Có phải đó là một trong những yếu tố cản trở việc hội nhập của chúng ta?
Một điều đơn giản là muốn giúp một người hay một cộng đồng, người ta phải tìm hiểu những người cần giúp mong muốn được giúp như thế nào và tại sao họ lại muốn như thế? Hỏi trực tiếp họ ư? Không được, vì người Việt chưa có thói quen trả lời bộc trực đi thẳng vào vấn đề và đôi khi chính họ cũng không biết họ muốn gì! Đây cũng là một đề tài hấp dẫn cho các nhà xã hội học và Việt Nam học. Để khởi xướng quá trình tìm hiểu này, nhóm chuyên trách đa văn hóa của người Việt phối hợp với hãng bảo hiểm sức khỏe DAK đã tổ chức buổi hội thảo đầu tiên tại Berlin ngày 16.7.2015.


Trước hết phải nói rằng, khoa học nghiên cứu về con người là một môn khoa học mới, kết quả nghiên cứu rất khó có sự đồng thuận đa số và có khi chưa nghiên cứu xong thì những giá trị đã thay đổi theo thời cuộc, theo sự phát triển chung của xã hội, phải làm lại từ đầu. Nhưng đó chính là cái hấp dẫn của những con mắt quan sát, của những bộ óc phân tích.
Mặc dù đã yêu cầu người tham dự cần đăng ký trước, nhưng hôm đó nhiều người không kịp đăng ký vẫn đến, nên hơi quá tải cho một phòng họp chỉ có sức chứa 40 người, trong đó hơn 2/3 là người Đức. Sau lời chào mừng và giới thiệu của ông Ralf Großklaus, giám đốc công ty phân phối DAK-Berlin hai diễn giả, bà Mai Phương Kollath và chị Mai Thy Phan Nguyễn phối hợp trình bày về ảnh hưởng của tư tưởng Khổng Tử đến cuộc sống của gia đình người Việt, quan điểm bảo vệ sức khỏe và chữa bệnh theo Đông y hay Tây y, sự khác biệt trong ý thức hệ giữa những người ra đi từ miền Nam và những người ra đi từ miền Bắc Việt Nam, những vấn đề trong giao lưu đối thoại giữa thế hệ bố mẹ (thế hệ thứ nhất ra đi từ Việt Nam) và thế hệ con cháu (sinh ra và lớn lên ở Đức).
Để hâm nóng không khí thảo luận một vấn đề khó và nhạy cảm, những người phụ trách muốn được nghe từ phía người tham dự những nhận xét thật ngắn gọn về người Việt Nam mà họ đã từng tiếp xúc. Những nhận xét thật thú vị và bất ngờ, phần lớn là những bổ ngữ như: chăm chỉ, lịch sự nhưng thu mình, ngại tiếp xúc với người Đức, niềm nở, khó gần, biết tiếng Đức ít, khiêm tốn, ít khi nhìn vào mắt người tiếp chuyện mình, giơ hai tay ra bắt làm người Đức lúng túng, đến công sở mà lại hỏi sức khỏe của người tiếp mình, sợ mất mặt, không muốn nói ra những vấn đề của gia đình mình, kiên nhẫn chịu đựng, ép con học, tôn kính người già, thờ cúng tổ tiên, thường có cái nhìn ngắn hạn ít người có kế hoạch sớm cho tương lai, tự bóc lột mình vì làm việc nhiều quá, hay dùng thuốc kháng sinh, dùng thuốc không đến cùng mà thấy đỡ là thôi, ưu tiên cao nhất cho vấn đề làm ăn…
Đó là những nhận xét rất sắc và phần nào được lý giải qua tham luận của hai diễn giả. Họ cho rằng, tư tưởng chủ đạo của đạo Khổng là „Tôn ti trật tự“, trên bảo dưới phải nghe, cãi lại bề trên là điều kỵ (tự ti, giơ hai tay ra bắt tỏ ý tôn kính), dành gần hết thời gian cho làm ăn nên không còn thời gian cho gia đình và cho chính họ (ít biết tiếng Đức, ngại tiếp xúc với người Đức), quan niệm gió độc vào người gây bệnh (cạo gió cho gió độc thoát ra)…
Trình bày một chủ đề vừa trừu tượng vừa được cho là khô khan nhưng hai diễn giả đã kết hợp nhuần nhuyễn giữa nghiêm túc và có pha chút hài hước làm cho không khí dịu đi, làm cho người nghe cảm thấy trôi đi nhanh hơn vì bị cuốn hút vào đề tài. Từ câu hỏi chủ đạo của tham luận „Người Việt suy nghĩ và hành xử như thế nào?“ một người tham dự đặt câu hỏi cho giáo sư Lulei người Đức chuyên nghiên cứu về Việt Nam „Người Đức suy nghĩ và hành xử thế nào?“ , sau đó anh Mạnh Hùng, một chuyên gia nhạc dân tộc, khi nhận xét sau mỗi lần biểu diễn trước khán giả người Việt ở Tây Berlin „Người miền Nam suy nghĩ và hành xử như thế nào?“. Những câu hỏi tương tự phát sinh như thế làm sống động cuộc thảo luận và để cho mỗi đối tượng tự xét lại mình để làm nổi bật một thông điệp: Cuộc hội nhập cần sự chấp nhận, cố gắng và độ lượng của tất cả các bên chứ không mang tính huấn thị của một nhóm người nào.

Cầm ly cà phê trên tay trong giờ giải lao, các thành viên vẫn cứ từng tốp từng tốp trao đổi về đề tài người Việt ở đất này. Đó là một yếu tố khích lệ để có thể tổ chức hội thảo lần hai, lần ba… với những thảo luận sâu hơn, cụ thể hơn và có thể với quy mô lớn hơn.

Một câu chuyện cảm động không thể không nhắc đến khi chị Mai Thy trình bày về những người rời Việt Nam trong những năm từ 1978 – 1986 bằng đường biển, những người được gọi là „boat people“. Biết được những tai nạn thương tâm trên biển vì họ ra đi bằng những con thuyền không thể chịu được sóng gió, một nhóm gồm các bác sĩ, nhà văn (Heinrich Böll), chính trị gia (Norbert Blüm) và đặc biệt là nhà báo Rupert Neudeck đã thành lập gấp một Hiệp hội có tên là „Ein Boot für Vietnam – Cap Anamur“ do ông Neudeck làm chủ tịch. Trong vòng bảy năm đội tàu của ông đã cứu gần 11 ngàn người ở Thái Bình Dương đưa về Đức, trong đó có một cậu bé tên là Quang, lúc đó ba tuổi. Trước đây vài tháng, ông Neudeck phải vào bệnh viện tim ở thành phố Köln.

Người mổ cho ông chính là bác sĩ trưởng khoa tim mạch Nguyễn Đình Quang, người đã được ông Neudeck cứu năm nào và là bạn của Mai Thy. Sau khi khỏi bệnh, hai người tươi cười chụp hình với nhau và báo Đức đã có dòng tít lớn viết về sự kiện này với nhan đề „ Eine Herzensangelegenheit/ một nghĩa vụ của trái tim“ , đúng cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng cho cả hai bên, hay!

Cuộc hội thảo đã kéo dài hơn ba tiếng đồng hồ, nhưng rất nhiều người vẫn còn muốn hỏi đáp về đề tài hấp dẫn này. Những người chịu trách nhiệm về chương trình của chúng tôi xin phép để lần sau. Tôi chợt nhớ ra cần phải bổ sung cho vấn đề hội nhập của thế hệ thứ hai, sang Đức từ nhỏ hoặc được sinh ra ở đất này. Trong khi thế hệ bố mẹ gặp khó khăn trong hội nhập thì thế hệ thứ hai đã hội nhập gần như đầy đủ. Các cháu thông hiểu lịch sử và văn hóa Đức, suy nghĩ và ứng xử như trẻ em Đức. Nhưng khi ở nhà sống cùng với bố mẹ, chúng cũng chịu ảnh hưởng của văn hóa Việt Nam. Lúc còn nhỏ chưa có biểu hiện gì đáng kể, nhưng khi bắt đầu có ý thức, các cháu trăn trở. Thông qua hình dáng bên ngoài, người Đức coi các cháu là người Việt. Khi tiếp xúc với người Việt các cháu lại hoàn toàn Đức.

Khi con trai tôi học lớp chín, trong một lần dọn phòng của con tôi thấy một bài thơ cháu viết nằm trên bàn. Tò mò tôi đọc và ngạc nhiên vì con tôi làm thơ mà tôi không biết. Bài thơ nói về nỗi trăn trở của thế hệ chúng, bản sắc ngả về phía Đức hay phía Việt đây. Tôi xin cháu bài thơ này để tâm sự với cộng đồng, mong độc giả hiểu thế hệ trẻ nhiều hơn.
Bài thơ của cháu dưới đây cũng là lời kết, là câu trả lời chưa trọn vẹn của cuộc hội thảo này.


Đức – Việt
Chơi vơi giữa đất trời hai xứ sở
Chẳng nơi nào trọn vẹn của riêng tôi
Hai quê hương mà hình như không có
Cả hai tôi không muốn bỏ nơi nào
Dửng dưng tôi kiếm tìm bản sắc
Hay để chơi vơi giữa xa lắc xa lơ
Trưởng thành rồi tôi mới mờ mờ biết
Con người tôi đã trộn hòa Đức – Việt
Nguyễn Thế Duy (lớp 9)